TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA NHO GIA

Tư tưởng Nho gia do Khổng Tử sáng lập. Khổng Tử (551 – 479 tr.CN), tên Khâu, tự Trọng Ni, sinh ra ở nước Lỗ (Xương Bình, Khúc Phụ, Sơn Đông), trong một gia đình quý tộc nhỏ bị sa sút. Quê hương nước Lỗ của Khổng Tử là nơi trụ cột, nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa cũ của nhà Chu. Thời đại Khổng Tử là thời đại “Vương đạo” suy vi, “Bá đạo” đang nổi lên lấn áp “Vương đạo” của nhà Chu, trật tự lễ phép của nhà Chu đang bị đảo lộn, như ông than rằng “vua không phải đạo vua, tôi không không phải đạo tôi, cha không phải đạo cha, con không phải đạo con”. Đứng trên lập trường của bộ phận cấp tiến trong giai cấp quý tộc nhà Chu, ông chủ trương lập lại pháp chế kỷ cương của nhà Chu. Ông lập ra học thuyết, mở trường dạy học, đi chu du các nơi trong nước, tranh luận với các phái khác để tuyên truyền lý tưởng của mình, nhằm phục vụ mục đích trên. Đến thời Chiến Quốc, Nho gia đã được Mạnh Tử và Tuân Tử hoàn thiện và phát triển theo hai xu hướng khác nhau: duy tâm và duy vật, trong đó dòng Nho gia Khổng – Mạnh có ảnh hưởng rộng và lâu dài nhất trong lịch sử Trung Hoa và một số nước lân cận. Kinh điển của Nho giáo thường được kể đến là Tứ Thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử) và Ngũ Kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu). Qua hệ thống kinh điển có thể thấy, hầu hết các kinh, các sách viết về xã hội, về những kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa. I. HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ - ĐẠO ĐỨC – XÃ HỘI Khổng Tử và các nhà Nho nói chung đều có hoài bão xây dựng một chế độ xã hội phong kiến có kỷ cương, nền nếp, thanh bình thịnh trị, đất nước có vua thánh tôi hiền, dân an cư lạc nghiệp, đất nước thanh bình thịnh trị, vua có đạo đức, có trí tuệ, biết dùng người. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở, trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính già, ai nấy đều trọng tình cảm và công bằng, không ai nghèo quá cũng không ai giàu quá. Được như vậy thì các giai cấp hòa hợp với nhau, trên không hiếp dưới, dưới không oán trên. Để thực hiện lý tưởng chính trị của mình, ông xây dựng nên học thuyết Nhân – Lễ - Chính danh. Đây là ba phạm trù quan trọng nhất trong toàn bộ học thuyết của Khổng Tử. 1. Học thuyết Chính danh Với quan điểm cho rằng, sự thay đổi của xã hội làm thiên hạ rối ren không phải “một sớm một chiều”, mà là một quá trình bắt nguồn từ sự sa đọa của chính đẳng cấp cầm quyền khiến danh không được chính. Nếu danh không được chính thì lời nói không đúng, lời nói không đúng sẽ dẫn đến việc làm sai. Khi đó người với người trong xã hội không còn kính trọng nhau, không còn hòa khí, luật pháp lỏng lẻo, dân mất nơi trông cậy, nhờ vả, không còn tin ở bậc cầm quyền, tất yếu dẫn đến rối loạn. Vậy danh là gì? Chính là gì? Danh của Khổng Tử có thể hiểu như tên gọi của một vật, một người trong mối quan hệ cụ thể trong xã hội. Thực (phận): nghĩa vụ và quyền lợi của từng người tương ứng với danh của nó. Chính danh là làm rõ danh xưng, danh phận, vật nào, người nào mang danh nào, phải được thực hiện và phải thực hiện bằng được những yêu cầu mà danh của mình đòi hỏi. Nếu không phải chuyển sang một danh khác. Khổng Tử cho rằng: “Chính danh là làm mọi việc cho ngay thẳng” “vua phải làm trọn đạo vua, bề tôi phải làm trọn đạo của bề tôi, cha phải làm trọn đạo của cha, con phải làm trọn đạo của con...” (quân – quân, thần – thần, phụ - phụ, tử - tử) . Một xã hội có Chính danh là một xã hội có trật tự kỷ cương, thái bình thịnh trị. Trước sự loạn danh của xã hội Đông Chu, Khổng Tử chủ trương Chính danh nhằm khôi phục lại kỷ cương lấy Tây Chu làm khuôn mẫu. Cần chú ý là, Chính danh của Nho giáo nguyên thủy là Chính danh hai chiều trong quan hệ mà trước hết là đặt trách nhiệm với bề trên: Quân minh – thần trung, phụ từ - tử hiếu. Nó khác hẳn với quan niệm Chính danh của Đổng Trọng Thư đời Hán sau này. Cụ thể là, Đổng Trọng Thư đã chủ trương kết hợp Nho gia với Pháp gia để trị quốc, đã duy tâm hóa triệt để thuyết “Chính danh”. Mối quan hệ trong các luân được giải quyết hoàn toàn theo Thiên Mệnh, kẻ dưới phải tuyệt đối phục tùng người trên đến mức: vua xử bề tôi chết, bề tôi phải chết mới là trung (Quân xử thần bất tử bất trung); cha bắt con phải chất, con phải chết mới là hiếu (Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu); chồng nói vợ phải tuyệt đối vâng lời mới là tiết hạnh (Phu xướng, phụ tòng). “Tam cương” (quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương) cùng với những tiêu chuẩn đạo đức của bề dưới như: trung, hiếu, tiết hạnh... được đề cao hơn cả. Để Chính danh, Nho giáo không dùng pháp trị (bá đạo) mà dùng đức trị - Nhân chính (vương đạo). Đức trị là dùng luân lý đạo đức điều hành guồng máy xã hội. Từ vua cho đến dân đều thấm nhuần và hành động theo những tiêu chuẩn đạo đức Nho giao. Khổng Tử nói nhiều đến tư cách người cầm quyền, bổn phận họ phải sửa mình để làm gương cho dân, ở đây ông đã gắn đạo đức với chính trị. Theo ông: “Mình mà chính đáng, dù không ra lệnh dân cũng theo. Làm chính trị mà dùng đức để cảm hóa thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về đó cả”. Muốn có đức trị dân, phải sửa mình (tu thân). Tu thân có ích cho cá nhân, cho gia đình và cho đất nước. Theo thuyết Chính danh và đức trị khi áp dụng vào việc cai trị dân, Khổng Tử đề ra chính sách dưỡng dân, giáo dân. Theo ông làm cho dân được no đủ giàu có, nước thịnh thì dân sẽ quý, nếu dân nghèo thì nước loạn, chính quyền sớm muộn gì cũng bị đổ, hoặc dân dần dần bỏ đi. Mạnh Tử khuyên vua chia ruộng cho dân theo chế độ tỉnh điền để phát triển sản xuất. Dân phải có hằng sản thì mới có hằng tâm. Muốn dân giàu thì phải thu thuế nhẹ, năm mất mùa phải giảm thuế, triều đình phải tiết kiệm. Mặt khác, đã yêu dân không để cho dân dốt, dân được giáo hóa thì dễ cai trị, dễ làm điều thiện, dễ theo lẽ phải. Mạnh Tử đề cao vai trò dân: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. 2. Học thuyết về Lễ Lễ theo Khổng Tử là toàn bộ những nghi lễ, chuẩn tắc trong quan hệ giữa người với người, từ hành vi ngôn ngữ cho đến trang phục, nhà cửa... Lúc đầu lễ là cái để thờ cúng thần, lễ mang tính tôn giáo là chủ yếu. Khi người Chu lên ngôi, lễ được chia thành năm loại: - Cát lễ: những quy định về tế tự; - Hung lễ: những quy định về ma chay, thiên tai, nhân họa; - Quân lễ: những quy định phục vụ chiến tranh; - Tân lễ: những quy định về triều chính; - Gia lễ: những quy định trong sinh hoạt đời thường, tron các quan hệ huyết tộc. Lễ còn bao hàm mọi nghi thức trong sinh hoạt xã hội, những quy định chi tiết đến cả các hoạt động cá nhân (ăn, mặc, đi đứng, chào hỏi, cưới xin, hội hè của từng loại người trong xã hội). Ai ở phận vị nào thì chỉ được dùng lễ ấy, tùy vào tính chất công việc khác nhau mà dùng lễ khác nhau. Giữa Chính danh và Lễ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: muốn Danh được Chính (đúng đắn, phù hợp với thực) thì phải thực hiện Lễ và Chính danh là điều kiện để thực hiện, trau dồi Lễ. Khi Nhan Uyên (người được Khổng Tử đánh giá là xuất sắc nhất) hỏi thế nào là người có đức Nhân, Khổng Tử nói: Là người biết sửa mình, theo điều Lễ (Khắc kỉ phục Lễ vi nhân). Và ông giải thích thêm, theo điều Lễ là: không nhìn cái không hợp Lễ, không nghe cái không hợp Lễ, không nói điều không hợp Lễ, không làm việc không hợp Lễ (Phi lễ vật thị, phi Lễ vật thính, phi Lễ vật ngôn, phi Lễ vật động). Ông kiên trì chủ trương điều hòa, xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, ông tuyên truyền “An bàn nhi lạc” (nghèo mà vui với cái nghèo); khuyên người dưới hãy vui với phận vị của mình, không nên oán trách (Bần nhi vô oán). Ông phản đối mọi sự đấu tranh, dù là của quần chúng nhân dân chống lại ách thống trị hay là giữa giai cấp thống trị với nhau. Tuy nhiên, Khổng Tử đã đưa thêm vào những nội dung mới, phát triển nó lên. Lễ của nhà Chu thuần túy là hình thức thể hiện của hành vi và ý thức tôn giáo có tính chất tín điều, Khổng Tử đã biến Lễ thành một phạm trù có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, có tác dụng điều chỉnh, ước thúc cái bản tính tự nhiên (“chất”) – thường là thái quá hoặc bất cập – của con người (Ước chi dĩ Lễ - Luận ngữ, Ung dã), ông nói: Cung kính thái quá, không hợp với Lễ là tự làm khổ nhọc thân mình; cẩn thận quá Lễ thành ra nhút nhát; dũng cảm quá Lễ sinh ra loạn nghịch; ngay thẳng quá Lễ thành ra thô thiển quê mùa (Luận ngữ, Thuật nhi). Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh thái độ Thành và Kính trong khi thực hiện Lễ. Tử Du hỏi về đạo Hiếu, ông nói: “Ngày nay người ta gọi là nuôi nấng chăm sóc cha mẹ là thờ cha mẹ, nhưng đối với chó và ngựa người ta cũng nuôi nấng, chăm sóc nó. Nếu như đối với cha mẹ mà không có lòng kính thì sự săn sóc đối với cha mẹ có khác gì đối với việc chăm sóc nuôi nấng chó ngựa” (Luận ngữ, Vi chính). 3. Học thuyết Nhân Đây là phạm trù trung tâm của đạo đức Nho giáo, thể hiện sáng tạo của Khổng Tử (trước ông có khái niệm Nhân nghĩa, đến Khổng Tử, ông xây dựng thành phạm trù có ý nghĩa triết học). Con người giáng sức làm việc cho đời chứ không chờ mệnh. Ông đưa phạm trù Nhân để phát huy tính năng động sáng tạo của con người. Theo ông, triều đình muốn thái bình thịnh trị thì người cầm quyền phải có đức Nhân. Một xã hội muốn yên ổn thì phải có nhiều điều Nhân. Vậy Nhân là gì? Trong Luận ngữ, Khổng Tử có 58 chỗ đề cập đến quan niệm Nhân với cả thảy 109 chữ, nhưng không chỗ nào giống nhau cả. Khi Phàn Trì hỏi Nhân là gì, ông bảo “yêu người”. Khi Nhan Uyên hỏi Nhân là gì, ông đáp: “Khắc kỷ phục vi lễ Nhân”. Khi Trọng Cung hỏi Nhân là gì? Ông đáp: “Ra cửa, như đón tiếp một vị khách lớn, trị dân như đứng làm chủ một cuộc tế lớn, cái gì mình không muốn thì không làm cho người ta, ở trong nước chẳng ai oán mình, ở trong nhà chẳng có ai ghét mình...” Như vậy, Nhân có nhiều nghĩa khác nhau, có thể khái quát mấy nội dung sau: • Trước hết, Nhân là yêu người, thương người, hết lòng với người khác. Bản tính này được bộc lộ, “tiềm ẩn” trong các quan hệ xã hội giưa người với người. Cốt lõi của nó là trung thứ. Khổng Tử nói: “đạo ta là do một lẽ mà thông suốt tất cả chỉ gom vào một chữ trung thứ”. - Trung là bản thân con người – “Tiểu vũ trụ”, ở trung tâm của trời đất, “Tính tương cận”, nghĩa là con người vốn gần nhau, thống nhất bình đẳng nhau ở bản tính thiện, nên phải thể hiện bản tính ấy ra theo tinh thần “Kỷ dục lập nhi lập Nhân”, “Kỷ dục đạt nhi đạt nhân” . Nghĩa là mình muốn đứng vững, mình muốn công việc của mình thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt. Con người phải hết lòng, hết dạ, thành tâm, thành ý sống theo nguyên tắc ấy. Ở đây, “trung” không chỉ yêu người (ái Nhân) mà còn phải giúp đỡ tạo lập cho người khác thành đạt. - “Thứ”: là suy mình ra người, cái gì không có lợi cho mình, mình không muốn, mình ghét thì đừng đem cái đó cho người khác. “Kỷ sở bất dục vật thi ư Nhân”. Ở đây quan niệm trung thứ biểu hiện tính nhân văn sâu sắc, một lẽ sống, sống sao cho ra người. Đó là đạo làm người mà cốt lõi là vừa yêu thương, vừa phải giúp đỡ lẫn nhau để tạo dựng cuộc sống cộng đồng, hòa bình, hạnh phúc. • Thứ hai, Nhân là cái gốc, Nhân sinh ra các đức khác, các đức khác hội tụ cả ở Nhân. Theo Khổng Tử “Nhân là cái thế yên lặng như núi, bao nhiêu đức khác đều bởi đó mà sinh ra khác nào như các thứ cây cối đều mọc lên cả núi”. Nhân là cái gốc của sự sinh hóa trong trời đất: Thế gian nhờ đó mà đứng Vạn vật nhờ đó mà sinh Quốc gia nhờ đó mà còn Lễ nghĩa nhờ đó mà phát hiện ra. Nhân là yêu người, yêu vật, lòng yêu thương ấy đều xuất phát một cách tự nhiên chứ không miễn cưỡng chút nào. Như vậy, theo Nho giáo, Nhân gồm cả đức lễ, nghĩa, trí tín... - Lễ vừa là cách thức tế lễ trời đất, quỷ thần, ông bà và những người thân đã chết, vừa là những quy định có tính luật pháp, vừa là những phong tục tập quán, vừa là một kỷ luật tinh thần nhất định “Khắc kỷ phục Lễ vi Nhân”. Suy cho cùng, Lễ chỉ là sự bổ sung cụ thể hóa của “Chính danh” nhằm thiết lập trật tự xã hội phong kiến.Ở đây, Nhân như cái hồn, cái gốc của Lễ. - Nghĩa là tự sửa mình làm điều lễ mới là người có Nhân, những việc nên làm để duy trì đạo lý. - Trí là tri thức phản ánh sự hiểu biết sáng suốt của một cá nhân, phải có tri thức mới thành Nhân được, mới sửa được mình, mới giúp được đời. “Trí giả lợi Nhân” (Luận ngữ, Dướng Hóa, 8). - Tín là cơ sở của niềm tin, là lời nói và việc làm phải phù hợp, phải thống nhất nhau. Không có Tín thì cũng chẳng có tin, một sự thất tín vạn sự chẳng tin. Khi nói về niềm tin của dân với vua, Khổng Tử yêu cầu: “Vua phải có tín với dân thì dân mới tin vào nhà nước, vào chế độ. Nếu mất tín, mất tin thì mọi sự cũng không còn có ý nghĩa gì, chính quyền xã tắc sẽ sụp đổ” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 7). • Thứ ba, Nhân đối lập với bất Nhân. Theo Khổng Tử, người bất Nhân như người bị bệnh tê, ai đau đớn khổ sở thế nào, vẫn dửng dưng không cảm động, không thương xót, thờ ơ lạnh nhạt. (Quay lưng lại với nỗi đau đồng loại không khác gì là loài cầm thú). Ở đây Nhân theo quan niệm của Nho giáo khác với thuyết kiêm ái của Mặc Tử và từ bi của đạo Phật. - Mặc Tử quan niệm cái khổ của con người là do không biết yêu thương nhâu mà ra, do đó, biện pháp khắc phục là làm cho mọi người yêu thương nhau, cùng hưởng lợi với nhau. Mặc Tử đề ao tính chủ động trong tình yêu thương. Mọi người đều chủ động thì thiên hạ tốt biết mấy. Trong khi của Khổng Tử, quan niệm Nhân ái có gần, có xa, có trên, có dưới, có “thượng trí” và “hạ ngu”, có quân tử và tiểu nhân... Mặc Tử lại kêu gọi một tình thương không phân biệt huyết thống gần xa cũng như không phân biệt trên dưới gì cả. Và Mặc Tử cũng đã luôn chú ý đến lợi ích cụ thể. - Trong giáo lý Phật giáo, quan niệm từ bi hỉ xả, sinh linh mê muội và tìm cách giải thoát sinh linh. Phật giáo cho rằng tham lam là nguồn gốc của mọi đau khổ của con người và diệt trừ tham lam là điều kiện cơ bản của giải thoát và hạnh phúc thực sự. Còn Nhân của Nho giáo là yêu thương, tìm cách giúp người được sống một cuộc đời vui vẻ, tìm hạnh phúc ngay trên cõi trần gian chứ không phải tìm hạnh phúc trên cõi Niết bàn. • Thứ tư, Nhân còn bao gồm nhiều tiêu chuẩn đạo đức khác nữa như: trung, hiếu, cung, kính, khoa hòa, cần mẫn, chính đáng, thật thà, khiêm tốn, dũng cảm, học gắn với hành, tự trách mình hơn là trách người, thận trọng, biết yêu người đáng yêu, biết ghét người đáng ghét (giết một người cứu muôn người là Nhân)... Như vậy, đức Nhân trong Nho giáo không chỉ là yêu thương người mà thực chất là đạo làm người. Nhân bao quát nhiều tiêu chuẩn đạo đức như vậy nên một người chỉ có một số tiêu chuẩn thì chưa thể coi là người có Nhân. - Nho giáo gọi người có Nhân là quân tử đối lập với kẻ tiểu Nhân. Nhưng Khổng Tử có nói: “Người quân tử có khi phạm điều bất nhân, chứ chưa từng thấy kẻ tiểu nhân mà làm được điều Nhân” (Luận ngữ, Hiến vấn, 7). Sự phân biệt đẳng cấp như vậy cũng là nét đặc biệt trong tư tưởng đạo đức của Nho giáo. - Có thể nói, Khổng Tử là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đề cập đến con người (trên bình diện Nhân đạo chứ không phải trên bình diện Nhân quyền). Ông phát hiện con người, chủ trương Nhân ái, nâng nô lệ lên hàng con ngườ, phát hiện sức mạnh của đạo đức. Đây là điều mà trong lịch sử phương Tây ít người xem đó là sức mạnh. Người ta nói nhiều đến sức mạnh của baoj lực trí tuệ, của đồng tiền, còn sức mạnh của đạo đức thì ít được nhắc đến. Như vậy, dù được xây dựng trên cơ sở một nguyện vọng tốt đẹp, bản thân nó có những nội dung mang ý nghĩa nhân văn nhân đạo nhất định, nhưng học thuyết Nhân của Khổng Tử vẫn chưa đạt tới thứ nhân đạo chân chính đích thực với ý nghĩa đầy đủ của phạm trù này. Tóm lại, quan điểm về xã hội, về chính trị - đạo đức của Nho giáo được thể hiện ở những nét cơ bản sau: Một là, Nho gia coi những quan hệ chính trị - đai đức là những quan hệ nền tảng của xã hội, trong đó quan trọng nhất là quan hệ vua – tôi, cha – con và chồng – vợ (gọi là Tam cương). Điều này phản ánh tư tưởng chính trị quân quyền và phụ quyền của Nho gia. Hai là, lấy giáo dục làm phương thức chủ yếu để đạt tới xã hội lý tưởng “đại đồng”. Trong bảng giá trị đạo đức của Nho gia thì chuẩn mực gốc là Nhân. Những chuẩn mực khác như: Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu... đều là những biểu hiện của Nhân. Ba là, Nho gia là hệ tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị Trung Hoa suốt hai nghìn năm lịch sử của xã hội phong kiến. Nó đã được bổ sung và hoàn thiện qua nhiều giai đoạn lịch sử: Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, nhưng tiêu biểu hơn cả là dưới triều đại nhà Hán và nhà Tống, gắn liền với tên tuổi của các bậc danh Nho như Đổng Trọng Thư, (thời Hán), Chu Đôn Di, Trương Tải, Trình Hạo, Trình Di, Chu Hy (đời Tống). II. VỀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC Tự đặt cho mình nhiệm vụ đưa xã hội từ “loạn” trở nên “trị”, Khổng Tử quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị - đạo đức, xã hội, chú trọng giải quyết những vấn đề về mối quan hệ giữa người với người mà rất ít bàn đến những vấn đề trừu tượng thuộc về bản thể luận, về nhận thức, về chuyện quỷ thần quái dị... như phần đông các nhà tư tưởng cùng thời. Tuy vậy, nhiều chỗ ông nói đến “trời, mệnh trời”. 1. Khổng Tử tin là có trời làm chủ vũ trụ, “Trời” như là một thực thể có ý chí (“Than ôi! Trời làm mất đạo ta”, “Mắc tội với trời không thể cầu ở đâu mà thoát được”, “Chỉ có trời mới biết ta”), ý chí của trời gọi là “Thiên mệnh”, vì thế ông đã đề cao thuyết thiên mệnh. Thiên mệnh nhiều khi được trình bày như một lực lượng khách quan thần bí toàn năng, chi phối đời sống của con người. Mỗi người, sự sống chết, phú quý hay nghèo hèn đều do thiên mệnh quy định. “Người quân tử có ba điểm sợ: sợ thiên mệnh, sợ đại Nhân, sợ lời nói của thánh Nhân”. Người quân tử phải biết mệnh trời, không biết mệnh trời, không đáng là người quân tử. Nhưng điều quan trọng hơn là, biết được Thiên mệnh để yên vui với phận vị của mình, để giữ Lễ. Khổng Tử nói: “Nếu như muốn giàu có mà có thể được thì có phải cầm roi [đánh xe ngựa theo hầu người khách], ta cũng chịu làm. Còn như muốn cũng không được, ta thà theo cái sở thích của ta” (Luận ngữ, Ung dã). Mặt khác, trong quan niệm “Thiên mệnh” của Khổng Tử cũng có những điểm tiến bộ, “thêm vào” so với quan niệm “Thiên mệnh” thời Tây Chu. Nếu như quan niệm “Thiên mệnh” thời Tây Chu còn mang nặng tính chất duy tâm cảm tính thì trong quan niệm của Khổng Tử, quyền năng của “ý trời” đã bị hạn chế một phần, năng lực chủ quan của con người được thừa nhận, được nâng lên một bước. Có chỗ quan niệm trời không phải là một đấng Thượng đế có hình dáng, tình cảm, có ham muốn như người. Trời chỉ là cái lý vô hình chỉ huy vạn vật, gần như quy luật mà ta quan niệm ngày nay, trời là trật tự của tự nhiên (“trời có nói gì đâu, bốn mùa vẫn thay đổi, vạn vật vẫn sinh trưởng”). Hiện nay, quan niệm của Khổng Tử được ghi lại trong Luận ngữ có nhiều cách hiểu: - Chỉ một quan niệm triết học cho là trong vũ trụ có một quy luật biến hóa nào đó có thể tìm hiểu được và nên tìm hiểu để xử sự cho hợp, đừng trái quy luật. - Cho rằng trong đời có những điều không thể hiểu được, cứ làm hết mình rồi kết quả ra sao cũng mặc. - Coi đó là định mệnh cứ để cho hoàn cảnh chi phối, chẳng cần làm gì cả. 2. Vấn đề quỷ thần cũng có nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến cho rằng Khổng Tử không tin vào quỷ thần thì trích dẫn câu “Tế thần như thần tại” (Tế thần như thần trước mắt). Họ lập luận rằng vì không có thần nên Khổng Tử dùng chữ như. Phe lập luận có thì bắc lại, cho rằng quỷ thần là cái “khí” thiêng, có đấy nhưng mắt ta không trông thấy, tai ta không nghe thấy nhưng vẫn thấu suốt cả muôn vật, đâu đâu cũng có hình như ở trên đầu ta, ở bên tả ta, ở bên hữu ta. Tế quỷ thần là tỏ cái lòng tôn kính, chứ không phải để cầu lấy cái phúc riêng cho mình. Quỷ thần là công minh chính trực, có lẽ nào lại thiên vị ai bao giờ. Nếu không tin có quỷ thần sao Khổng Tử lại rất kính cẩn trong việc tế lễ. 3. Quan niệm của Khổng Tử về con người cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Trong khi nhiều đạo giáo khác coi con người là sinh linh bé nhỏ, thì trái lại, Khổng Tử đề cao con người, xếp con người vào một trong ba ngôi Thiên – Địa – Nhân. Trong Kinh Lễ, ông nói: “Người là cái đức của trời đất, là sự giao hòa của âm dương, là sự hội tụ của quỷ thần, là cái tinh khí của ngũ hành”. Nhờ có cái tinh thần và khí chất ấy mà người ta mới có cái sáng suốt để hiểu hết các vật. Theo Nho giáo, trời sinh ra người và phú cho cái tính sáng suốt. Do vậy, đạo làm người phải cố gắng theo đạo trời để tiến đến chỗ chí thiện, chí mỹ. 4. Về lý luận nhận thức, ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, sự nỗ lực chủ quan của cá nhân trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Khổng Tử tự nói về mình, không phải là người “sinh ra để biết”, thuở nhỏ do nghèo khó phải làm nhiều việc vặt nên biết được nhiều thứ; đến năm 15 tuổi thì chí thú vào việc học tập; đến năm 30 tuổi thì có đủ tri thức để tự lập, tự ước thúc mình vào Lễ (Tam thập nhi lập); năm 40 tuổi thì “bất hoặc”, tức là đạt tới Trí (Trí giả bất hoặc), tự mình phân biệt được cái đúng sai; năm 50 tuổi “Tri Thiên mệnh”, tức là nắm được quy luật, đạt được cái “biết” đã có sự lý giải đến tốt cùng (cao hơn cái biết “bất hoặc”); năm 60 tuổi thì mọi việc làm, tâm tư đều đã “thuận”. Đến năm 70 tuổi thì mọi ham muốn cá nhân đều hợp lễ nghĩa. Từ một người bình thường nhưng nếu nỗ lực học hỏi, có phương pháp học tập đúng thì cũng đạt được tầng bậc cao nhất của trị thức và phẩm hạnh. Đây là một quan điểm tiến bộ, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Khổng Tử. Như vậy, học thuyết Khổng Tử, tuy có chứa đựng những yếu tố duy vật, những mặt tích cực, nhưng về cơ bản, suy cho đến cùng, là bảo thủ về mặt xã hội và duy tâm về mặt triết học. Mặc dù có thừa nhiệt thành và không ít thiện chí nhưng ông đã không kéo lùi được bánh xe lịch sử. Suốt cả cuộc đời ông đã – như một ẩn sĩ đương thời nhận xét – làm cái việc “Biết rằng không thể làm được mà vẫn cứ làm” (Tri kì bất khả nhi vi chi! – Luận ngữ, Hiến văn). Sau khi Khổng Tử mất, các thế hệ học trò nối tiếp nhau phát triển học thuyết của ông và trở thành một trường phái tư tưởng lớn lúc bấy giờ. Trong số họ nổi bật lên nhà triết học, nhà chính khách nổi tiếng Mạnh Kha (371 289 tr.CN), người đời sau tôn là Mạnh Tử, người có công lớn trong việc đấu tranh với các trường phái khác, bảo vệ Nho giáo và cũng là người đưa nhiều tư tưởng mới vào hệ thống tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bàn về phạm trù Thiện - ác - Hoàng Văn Thuận

Phân tích âm nhạc

Tư Tưởng mỹ học Ấn Độ phần 1