NHỮNG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CƠ BẢN CỦA L.PHOIƠBẮC (1804 – 1872)

L.Phoiơbắc (1804 – 1872), nhà duy vật nổi tiếng của triết học cổ điển Đức. Ông sinh năm 1804 trong một gia đình luật sư nổi tiếng ở Đức. Ông đã theo học ở trường đại học tổng hợp Béclin, tham gia phái Hêghen trẻ. Về sau ông tách khỏi phái này, trở thành người phê phán Hêghen, xây dựng hệ thống triết học duy vật của mình. Các tác phẩm lớn của ông là Những nguyên lý của triết học tương lai (1843), Về bản chất đạo Cơ đốc... Ông là nhà triết học duy vật lỗi lạc trước Mác, là người đã khôi phục địa vị xứng đáng cho chủ nghĩa duy vật trước Mác. Triết học của ông là một trong những tiền đề lý luận trực tiếp của triết học Mác. Do một số tư tưởng vô thần chống lại giáo hội của ông, ông đã bị nhà nước Phổ giam lỏng ở một làng quê ở biên giới phía Đông nước Đức, tiếp giáp với biên giới Ba Lan từ lúc khoảng 32 tuổi đến cuối đời... Vấn đề trung tâm trong triết học của ông là vấn đề con người và về cơ bản ông giải quyết trên tinh thần duy vật. Nên triết học của ông được gọi là triết học nhân bản. Nó được thể hiện ở những điểm sau: 1. Về bản thể luận • Ông có quan niệm duy vật về giới tự nhiên, ông cho rằng vật chất không do ai sáng tạo ra, nó tồn tại vĩnh viễn và vô hạn. Thế giới tự nhiên, thế giới vật chất có trước ý thức, ý thức có sau vật chất, chỉ là một thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức đặc biệt là bộ óc con người. Thế giới tự nhiên đương đại là kết quả tiến hóa theo quy luật vốn có của nó. Theo ông phải tìm nguyên nhân của thế giới tự nhiên ở chính trong thế giới tự nhiên, sự sống và con người cũng là kết quả tiến hóa hết sức lâu dài của chính giới tự nhiên. • Ông cũng có quan điểm duy vật về không gian và thời gian. Theo ông không có vật chất ngoài không gian và thời gian, không gian và thời gian chỉ là những hình thức tồn tại của vật chất. Nhìn chung ông có quan điểm duy vật về thế giới, nhưng còn thô sơ và siêu hình. Bởi lẽ, vật chất theo ông mới chỉ là những gì cảm giác được. Hay là khi đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm nói chung, chủ nghĩa duy tâm của Hêghen nói riêng, ông đã không thấy được “hạt nhân hợp lý” trong triết học của Hêghen và đã phủ định một cách tuyệt đối, như “hất chậu nước tắm và cả đứa trẻ trong đó”. 2. Về nhận thức luận • Ông là người có công lớn trong việc phát triển lý luận nhận thức duy vật. Ông cho rằng, thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức và con người có khả năng nhận thức được thế giới khách quan, khả năng nhận thức của con người là vô tận. Ông kiên quyết chống lại thuyết không thể biết của I.Cantơ. • Nhận thức theo ông gồm hai giai đoạn: nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. - Cảm giác là giai đoạn đầu của nhận thức, là kết quả của sự tác động của thế giới khách quan lên giác quan của con người. Ông đề cao cảm giác nhưng không tuyệt đối hóa nó. - Ông cũng là người chống lại sự tuyệt đối hóa vai trò của tư duy lý tính, tuy nhiên, ông cũng không hạ thấp nó. Vai trò của tư duy lý tính, theo ông là gắn kết những tri thức rời rạc do cảm giác đem lại. Mặc dù có những tư tưởng tiến bộ, nhưng quan điểm về nhận thức của ông cũng còn nhiều hạn chế: - Ông còn thiếu quan điểm biện chứng, quan điểm lịch sử, quan điểm thực tiễn về nhận thức. Về cơ bản theo ông, nhận thức là quá trình diễn ra chỉ một lần là xong. - Ông chưa hiểu mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. - Chủ thể nhận thức trong quan niệm của ông chỉ là những con người chung chung, đứng ngoài các quan hệ xã hội mang tính lịch sử cụ thể. - Đặc biệt là ông chưa hiểu được bản chất của thực tiễn, ông mới hiểu thực tiễn là những hoạt động buôn bán nhỏ. 3. Quan niệm về con người Con người là vấn đề trung tâm trong triết học của ông và về cơ bản ông giải quyết vấn đề con người trên tinh thần duy vật. Vì vậy, triết học của ông còn được gọi là “chủ nghĩa nhân bản”. • Con người theo ông là một bộ phận của thế giới tự nhiên, gắn liền với tự nhiên. Con người là một sinh vật có hình thể vật chất ở trong không gian và thời gian, vì vậy, con người có khả năng quan sát, suy nghĩ. Con người có ngôn ngữ, tư duy, có những nhu cầu, ham muốn, có niềm vui, nỗi buồn, sự suy tư, trăn trở... Tuy nhiên, những cái đó được ông xem xét tách rời điều kiện sống, môi trường văn hóa, xã hội, phi giai cấp, phi lịch sử. • Phoiơbắc đã phần nào nhìn khía cạnh giao tiếp xã hội như là một yếu tố tạo bản chất con người. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được ông phát triển đầy đủ. Do vậy, ông chưa thấy được con người xã hội, con người giai cấp, mới chỉ thấy được con người sinh học, con người có tính loài, con người tự nhiên chủ nghĩa. 4. Vấn đề tôn giáo • L.Phoiơbắc là người phê phán tôn giáo kịch liệt, ông đã cố gắng chỉ ra nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo. • Ông đã vận dụng khái niệm “tha hóa” để phân tích tôn giáo. Ông cho rằng không có tình cảm tôn giáo bẩm sinh, chính tôn giáo là sản phẩm sáng tạo của con người, tôn giáo là một phương thức thỏa mãn nhu cầu hư vô của con người. Chính con người đã sáng tạo ra thượng đế. Thượng đế chỉ là con người “tha hóa” với những phẩm chất tốt đẹp nhất. • Tuy nhiên, quan niệm về tôn giáo của ông còn nhiều hạn chế: - Ông chưa hiểu được các nguồn gốc tâm lý, kinh tế - xã hội, giai cấp, văn hóa của tôn giáo. Mặc dù ông đã thấy được mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. - Ông cho rằng, xã hội loài người cần đến tôn giáo vì nó có thể đáp ứng những thiếu hụt mà con người không có được. - Hơn nữa, ông không muốn khắc phục những điều kiện làm nảy sinh tôn giáo, muốn thay Cơ đốc giáo bằng một tôn giáo mới – Tôn giáo tình yêu – khi ấy người với người là thượng đế của nhau. 5. Vấn đề đạo đức • Xuất phát từ tinh thần nhân bản nên quan niệm về đạo đức của ông cũng đầy tính nhân bản, với ông khát vọng hạnh phúc là cơ sở của mọi hành vi của con người. Về bản chất con người cố gắng đạt cái mà mình cho là tốt, tránh cái mà mình cho là không tốt. • Cũng vì đứng trên lập trường nhân bản nên ông gắn cảm giác với đạo đức, bởi lẽ, theo ông điều tốt đem lại cho con người cảm giác vui, hạnh phúc, thỏa mãn; ngược lại, điều xấu đem lại cảm giác đau đớn, xót xa, dằn vặt... Ông khuyên răn con người không nên tham lam, ích kỷ. Quan niệm về đạo đức của ông về cơ bản có tinh thần nhân văn, vì con người. Tuy nhiên, cũng còn có những hạn chế, chẳng hạn: • Ông cho rằng các hiện tượng phi đạo đức chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên trong xã hội, bằng tình yêu sẽ xây dựng đạo đức mới, đạo đức có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và xã hội. • Đặc biệt, ông đã xây dựng nên một thứ đạo đức trừu tượng, tách rời đời sống xã hội, phi giai cấp, phi lịch sử, thứ đạo đức vĩnh hằng cho mọi thời đại. Về cơ bản ông chỉ nói đến tính nhân loại của đạo đức, chưa nói đến tính dân tộc, tính giai cấp, tính lịch sử của đạo đức. 6. Quan điểm chính trị - xã hội • Ông là người có tư tưởng dân chủ cấp tiến, căm ghét nhà nước quân chủ Phổ phong kiến, ông gọi nó là vô đạo đức, đòi thay nó bằng nhà nước cộng hòa tư sản. • Theo ông con người nên có của riêng, nhưng có ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên ông đề cao chủ nghĩa vị kỷ thông minh, nghĩa là lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội không được mâu thuẫn với nhau. • Ông cho rằng con người về bản tính là bình đẳng nên phải xóa bỏ bất công xã hội. Tuy nhiên, ông lại sai lầm khi cho bất bình đẳng, tệ nạn xã hội... chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên đi chệch hướng bản chất của con người và những hiện tượng này có thể khắc phục bằng giáo dục, bằng tình yêu của con người. • Ông căm ghét thói đạo đức giả, phê phán nó và muốn xây dựng một xã hội “cộng đồng chung” mà ở đó có sự thống nhất về dân chủ và công bằng. Nhìn chung, quan niệm về chính trị - xã hội của ông có yếu tố tiến bộ, nhưng cũng còn chứa đựng nhiều yếu tố không tưởng. Nhìn tổng thể, triết học của Phoiơbắc là triết học duy vật, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng triết học của ông đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của triết học nhân loại

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bàn về phạm trù Thiện - ác - Hoàng Văn Thuận

Phân tích âm nhạc

Tư Tưởng mỹ học Ấn Độ phần 1