Phân tâm học (Psychoanalysis)
Phân tâm học (Psychoanalysis)
1. Sự ra đời và các giai đoạn của Phân tâm học
Phân tâm học do S. Freud (1856 - 1939), bác sỹ người Ao, sáng lập. Những công trình đầu tiên của Freud bàn về sinh lý học, giải phẩu học não bộ. Từ những năm 80 dưới Ảnh hưởng của trường phái Pháp (Charcot, Bernheim) về thôi miên Freud tìm hiểu chứng rối loạn thần kinh chức năng (tâm thần). Những năm 90 Freud tập trung xây dựng phân tâm học - phương pháp dùng trị liệu tâm lý để chữa bệnh tâm thần. Phương pháp này căn cứ trên kỹ thuật liên tưởng tự do, phân tích những hành vi lầm lẫn và những giấc mơ như phương thức thâm nhập vào cõi vô thức, nghĩa là khu vực không chịu sự kiểm soát của ý thức. Vào năm 1900 Freud đưa ra học thuyết về cơ cấu bộ máy tâm lý như một hệ thống năng lượng mà cơ sở phát sinh của nó là xung đột giữa ý thức và những ham muốn vô thức. Vào năm 1920 Freud công bố công trình “Bản ngã và Bĩ ngã”, đồng thời từng bước vận dụng Phân tâm học vào tâm lý xã hội, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật …Hai lưu ý: 1) Freud sáng lập Phân tâm học vào cuối thế kỹ XIX - đầu thế kỷ XX, khi những quan niệm truyền thống về tâm lý không còn phù hợp nữa. Tâm lý học trước Freud cố gắng xác định thế nào là một con người bình thường, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý, từ việc tìm hiểu hiện tượng của ý thức. Đi xa hơn những “tố chất tự nhiên”, Freud phân tích tính chất và và nguyên nhân xuất hiện chứng rối loạn thần kinh chức năng, đẩy nó đến lĩnh vực tâm lý người, và từng bước khám phá những điều sâu kín nhất mà tâm lý học trước đó bỏ qua, hoặc nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn. 2) “Khám phá vô thức” - đó là sự đánh giá đã được thừa nhận phổ biến, dù từ các thái độ khen chê khác nhau. Tìm hiểu “sự nổi loạn của vô thức”, chủ trương giáo dục người bệnh bằng liệu pháp tâm lý, bằng kỹ thuật liên tưởng tự do, theo dõi thường xuyên những thay đổi tâm lý của người bệnh, xác định những nguyên nhân của bùng nổ xúc cảm, những ẩn ức … càng làm nổi bật vai trò người thầy thuốc - nhà giáo dục trong điều kiện phức tạp của xã hội, khi tâm lý người chịu quá nhiều tổn thương từ bên ngoài. 3) Freud không gọi mình là nhà triết học, song Phân tâm học do ông sáng lập vượt ra khỏi khuôn khổ của một học thuyết tâm lý, mang ý nghĩa triết học rõ ràng vì, thứ nhất, sự khái quát hóa triết học những ý tưởng cơ bản trong việc xác lập cơ chế tâm lý của cá nhân, thứ hai, tính khuynh hướng lý luận, gắn với hành trình tư tuởng của Freud.
Như vậy từ năm 1900 trên diễn đàn triết học phương Tây đã xuất hiện một trường phái triết học - tâm lý theo khuynh hướng phi duy lý - nhân bản, có tên gọi là chủ nghĩa Freud (Freudism), hay đơn giản là Phân tâm học. Thế hệ sau Freud càng làm cho Phân tâm học mang diện mạo triết học thực sự.
Chủ nghĩa Freud ngay từ buổi đầu đã không phải là một trường phái thống nhất. Ngay giữa những học trò thân tín nhất của Freud vào năm 1910 đã diễn ra cuộc tranh luận xem cái gì đóng vai trò năng lượng tâm lý cơ bản. Nếu ở Freud năng lượng ấy là năng lượng tâm lý - tính dục, thì ở A. Adler (tâm lý học cá thể) vai trò này thuộc về mặc cảm giá trị chưa hoàn thiện và ước muốn tự hoàn thiện. Với K. Jung (tâm lý học phân tích) vô thức tập thể và những nguyên mẫu (archetip) mới là cơ sở của sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. O. Rank thì cho rằng toàn bộ hoạt động của con người luôn bị ám Ảnh bởi ý nghĩ phải vượt qua “cú sốc sinh nở ban đầu”.
Mặc dù các nhà phân tâm học sau Freud xem xét lại và bác bỏ một số luận điểm của người sáng lập (về quy tắc, hay tiêu chuẩn nghiên cứu tâm lý, giải thích tính chất của các quá trình tâm lý, về cơ chế tâm lý …), song nhữgn nguyên lý cơ bản vẫn giữ nguyên: năng lượng vô thức, những khía cạnh phi duy lý của đời sống con người, tính chất xung đột và sự phân thân của thế giới nội tâm, tính dồn nén, tính bị ức chế, bị đàn áp và ý chí phản kháng, vấn đề suy đồi văn hóa …
Chủ nghĩa Freud trở thành một trào lưu khá phổ biến từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, gắn với những biểu hiện khủng hoảng của văn hóa, xã hội. Các nhánh khác nhau của chủ nghĩa Freud bổ sng cơ sở triết học và phương pháp luận cho học thuyết của chủ nghĩa Freud mà chính Freud còn thiếu. Những bổ sung này khéo kết hợp với các tư tưởng chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học tự nhiên.
Ở Mỹ xu hướng sinh học hóa phân tâm học kết hợp với chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa hành vi (behaviorism). Bên cạnh đó còn có xu hướng làm gần chủ nghĩa Freud với Điều khiển học (Cybernetics) Chủ nghĩa Freud-xã hội cũng có tiếng nói trong giới học thuật; nó xem xét các hiện tượng chính trị, văn hóa, xã hội như kết quả của sự thăng hóa (sublimation) năng lượng tâm lý tình dục, sự biến đổi các quá trình vô thức dưới tác động của đời sống văn hóa, xã hội. Vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX chủ nghĩa Freud-mới cố gắng biến phân tâm học thành một học thuyết thuần túy xã hội học và văn hóa học, xa rời dần quan điểm vô thức và các yếu tố sinh học thời Freud. Từ cuối những năm 40, tức sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các vấn đề và các kết quả nghiên cứu của phân tâm học được sử dụng rộng rãi. Phân tâm học xã hội liên kết với chủ nghĩa hiện sinh và cùng xác định hình Ảnh con người trong một thế giới phức tạp, đứng ở “tình thế tranh chấp” giữa tồn tại và hư vô, hòa bình và chiến tranh, hưng thịnh và đổ vỡ. Viện nghiên cứu xã hội tại Frankfurt (trường phái Frankfurt) chịu Ảnh hưởng đáng kể của phân tâm học. Một số đại diện thiên tả của nó dung hòa phân tâm học với chủ nghĩa Marx, nhằm tạo dựng học thuyết chiết trung theo kiểu Chủ nghĩa Freud-mácxít.
Phân tâm học và các vấn đề do nó gợi nên hiện nay tiếp tục thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học, đạo đức học, chính trị học.
2. Học thuyết của Freud về cơ chế tâm lý
Tâm lý con người có thể được hiểu như sự lưỡng phân với hai thái cực rõ ràng - ý thức và vô thức - tạo nên tính cách đầy mâu thuẫn của cá nhân. Trong lớp kết hợp ấy vô thức mới là thành tố trung tâm, còn ý thức chỉ là một thứ bậc đặc biệt vượt lên vô thức, nghĩa là chỉ khi nào chúng ta biết cách chế ngự vô thức, thì lúc đó mới nói đến vai trò của ý thức. Ý thức là phẩm chất thể hiện tính người trong con người.
Phân loại các tầng tâm lý:
Bỉ ngã (Id), hay bản năng, khu vực “tăm tối” của tâm hồn, là tầng sâu của những ham muốn vô thức, cái “nguyên thủy” của tâm lý. Là cơ sở của cá thể hoạt động, vô thức chỉ tuân thủ nguyên tắc thỏa mãn, không liên can gì đến hiện thực xã hội.
Bản ngã (Ego), hay cái Tôi, khu vực “sáng” của tâm hồn, là lĩnh vực ý thức, khâu trung gian giữa bản năng và thế giới bên ngoài, trong đó những tính quy định tự nhiên và các thiết chế xã hội. Cái Tôi điều chỉnh hoạt động của của bản năng với nguyên tắc hiện thực, tính hợp lý và tính tất yếu khách quan.
Siêu ngã (Super-Ego), hay cái -vượt lên -Tôi, khu vực “ngoài tầm” ý thức cá nhân, là lương tâm bên trong cá nhân, một sự kiểm soát, phê phán đặc thù, xuất hiện do sự bất lực của ý thức trong việc ngăn chặn những cơn bùng nổ vô thức.
Sự vận hành của cơ chế tâm lý diễn ra như thế nào ?
Tầng sâu, thuộc về bản năng của tâm lý người, vận hành theo chương trình tiếp nhận sự thỏa mãn tối đa và tự do lựa chọn. Trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình cá nhân đụng chạm với hiện thực bên ngoài, vốn đối lập với bản năng. Chính lúc này ý thức - yếu tố trung hòa - tỏ ra cần thiết. Nó cố gắng ngăn chặn những ham thích vô thức, hướng chúng vào quỹ đạo của những hành vi mang tính xã hội được khuyến khích. Nhưng trên thực tế bản năng áp đặt, dẫu từ từ, những điều kiện của mình cho cái Tôi. Ngay lúc này trong cai Tôi hình thành một tầng mới - Siêu ngã, hay Lý tưởng - cái Tôi, thống trị cái Tôi như lương tri, hay mặc cảm tội lỗi chưa được ý thức ngay. Siêu ngã trong trường hợp ấy là cái bản thể tối cao nơi con người, phản ánh những giáo huấn, cấm đoán xã hội, quyền lực của cha mẹ và của các uy quyền khác. Siêu ngã là một thứ “vô thức”khác, áp chế cá nhân.
Như vậy, nhiệm vụ của phân tâm học là phân tích cơ chế tâm lý người, nhận biết được cái vô thức để chuyển chất liệu vô thức vào các lĩnh vực ý thức và hướng nó tuân thủ mục đích của mình. Nơi nào có vô thức, nơi đó có ý thức; càng hiểu bản chất của vô thức, con người càng có thể làm chủ dục vọng của mình, và điều khiển nó một cách có ý thức trong đời sống hiện thực.
3. “Những ham thích đầu tiên” và Libido
Freud xem ham thích tình dục là cơ sở của những “ham thích đầu tiên”, động lực của vô thức. Để minh họa cho quan điểm này ông đưa ra khái niệm “mặc cảm Oedipe”. Sau này Freud thay “ham thích tình dục” bằng khái niệm libido, với nghĩa rộng hơn, thể hiện một sự diễn biểu đạt đặc biệt về tình yêu mãnh liệt, say nồng, song theo nhiều tác giả khả năng tình dục vẫn là nghĩa nổi bật hơn cả.
Các giai đoạn libido: 1) giai đoạn miệng; 2) giai đoạn hậu môn; 3) giai đoạn sùng bái bộ phận sinh dục nam; 4) giai đoạn “thiên vị đối tượng”, khi đứa trẻ đã lớn, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Freud nói đến mặc cảm Oedipe đối với trẻ nam, mặc cảm Klectra đối với trẻ nữ. Chung quy hoạt động của con người chịu sự tác động không ngừng của những ham thích đầu tiên, những ham thích sinh học lẫn xã hội, nơi bộc lộ “bản năng sống”, sáng tạo (Eros), và bản năng chết, hủy diệt, gây hấn (Thanatos).
4. Tính khuynh hướng xã hội trong phân tâm học Freud
Theo Freud, trong đời sống tâm lý cá nhân luôn hiện diện “người khác”; tâm lý cá nhân biểu lộ ra thông qua giao tiếp cũng đồng thời là tâm lý xã hội. Sự phân tích tâm lý có thể được sử dụng không chỉ trong việc tìm hiểu những vấn đề thuần túy cá nhân, mà cả những vấn đề xã hội, bởi lẽ chúng ta có thể suy nghĩ về các quá trình xã hội từ việc nhận thức các cấp độ, các lớp tâm lý ở chính mình, và lý giải một cách thấu đáo những xung đột giữa cá nhân và xã hội từ chế vận hành tâm lý cá nhân.
Freud là người có thái độ phê phán đối với trật tự xã hội hiện tồn, một trong những nhà lý luận về khủng hoảng văn hóa. Ông đề cập đến trạng thái sợ hãi và bất ổn của con người trong thời đại văn minh, sự thiếu hoàn thiện của quan hệ gia đình, xã hội, gây nên những cú sốc tâm lý ở cá nhân. Những thành tựu văn hóa góp phần làm giảm bớt bản năng gây hấn của con người. Nhưng một khi văn hóa không thực hiện được chức năng này thì sự gây hấn có thể trở thành một phần đời sống nội tại của con người, dẫn đến tâm thần xã hội.
5. Vài nét về Tân-phân tâm học
Ngoài K. Jung (1875 - 1961), A. Adler (1870 - 1937), K. Horney (1885 - 1953), phải kể đến W. Reich (1897 - 1957) với học thuyết tình dục - kinh tế. Đặc trưng của tư tưởng Reich là không chú trọng đến từng cá nhân riêng lẻ,mà lấy lĩnh vực chính trị - xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Reich chỉ giữ lại quan điểm nền tảng của phân tâm học Freud: bên ngoài ý thức tồn tại một hiện thực tâm lý, vô thức.
Reich đưa ra phương án lý giải mới về “cơ cấu tâm lý - sinh học của cá thể”: 1)tầng bề mặt, tức tầng liên kết xã hội, tầng “xã hội - hư ngụy” (liên tưởng hố sâu ngăn cách giữa “vật tự nó” và “hiện tượng”); 2) tầng trung gian, tầng chống đối xã hội (liên tưởng vô thức của Freud), tổng số những xung động bậc hai - những cuồng vọng ngu xuẩn hung bạo, những hành vi dâm đãng; 3) tầng đáy sâu, hạt nhân sinh học, những tố chất tự nhiên - xã hội tiềm tàng nơi con người như trung thực, yêu lao động. Tiếc thay khi đi qua tầng trung gian những tố chất bị xuyên tạc, nhiểm bẩn, khúc xạ.
Trong quan điểm chính trị Reich phê phán “chủ nghĩa cực quyền”, chủ nghĩa phát xít.
Reich không phủ nhận sự hiện diện của năng lực libido trong cơ cấu tâm lý cá nhân, hơn nữa lại phân tích nó dưới góc độ xung đột xã hội. Tác phẩm nổi tiếng - “Cách mạng tinh dục” (1936,The Sexual Revolution) - trong đó sự giải phóng con người được xem xét ở khía cạnh tự do tình dục. Đây là tác phẩm gây sốc cho xã hội một thời.
H. Sullivan (1892 - 1949) cũng là tên tuổi nổi bật của phân tâm học sau Freud, với học thuyết liên cá thể về tâm thần học. Theo học thuyết này đời sống con người diễn ra trong những tình thế liên cá thể, do đó để hiểu phức hợp các vấn đề gắn với quá trình tâm lý bên trong đời sống cá thểvà các quá trình bên ngoài của sinh hoạt cộng đồng - xã hội, cần thiết phải làm sáng tỏ giá trị và ý nghĩa của hành vi liên cá thể. ”Hệ thống tự hữu” là thứ phẩm hàm đặc trưng của cá thể nhằm chống lại những bất ổn, xao xuyến, vốn có ở con người ngay từ lúc chào đời. Có thể liên tưởng “hệ thống tự hữu” với “Siêu ngã” của Freud.
E. Fromm (1900 - 1980) được giáo dục theo truyền thống phân tâm học, nhưng về sau đã bác bỏ khá nhiều luận điểm của nó. Ông xem các quá trình xã hội, chứ không phải các yếu tố sinh học, là những môtíp kích thích con người. Tư tưởng nổi bật: nhị phân hiện sinh và nhị phân lich sử.
Nhị phân hiện sinh biểu hiện ở nhị phân giữa sống và chết, giữa khả năng tiềm tàng của mỗi cá nhân với tính hữu hạn của cuộc sống.
Nhị phân lịch sử gắn với những điều kiện xã hội nhất định, do đó có thể khắc phục được bằng nỗ lực của nhiều thế hệ, hướng đến thiết lập một xã hội nhân đạo, tạo nên sự ổn định tâm lý - tinh thần cho cá nhân.
H. Marcuse (1898 - 1979) đặt vấn đề về văn minh ‘không có tính đàn áp”, đem quan điểm kinh tế - xã hội của Marx kết hợp với Freud, xem sự kết hợp này là phương án tốt nhất giải quyết xung đột giữa con người và nền văn minh. Các khái niệm “đàn áp thặng dư” và “nguyên tắc năng xuất” chỉ ra những giới hạn của con người do các chế độ xã hội thiết lập, sự thống trị của quá trình lao động bị tha hóa, và do đó, mâu thuẫn giữa lao động bị tha hóa và Eros. Chỉ khi nào đạt tới “văn minh không có tính đàn áp”, sức mạnh của Eros mới được phát huy, nhờ đó bản năng gây hấn, bản năng chết mới bị đẩy lùi. Lao động sẽ không còn bị tha hóa nữa, mà biến thành trò chơi tự do, phù hợp với bản tính con người.
Tư tưởng cải cách và mang tính phản kháng của Marcuse được một bộ phận giới trẻ có học thức ở phương Tây đón nhận, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Nhận xét
Đăng nhận xét